Thấy Sang Bắt Quàng Làm Họ

“Thấy người sang bắt quàng làm họ” – người Việt Nam chúng ta sử dụng câu tục ngữ phổ biến và quen thuộc này với ý nghĩa châm biếm một cách khéo léo đối với một số người muốn tỏ ra mình có quan hệ thân thiết như là họ hàng, quen thân, bạn bè với người nào đó hoặc thành đạt, hoặc có địa vị, hoặc có học thức…, nhằm mục đích nâng cao giá trị của bản thân mình, từ đó có thể hưởng lợi nhất định.

Bạn đang xem: Thấy sang bắt quàng làm họ

Nhân đầu năm mới Tân Sửu 2021, tôi cũng muốn chia sẻ một câu chuyện ngắn của tôi có liên quan đến câu tục ngữ này.

Vào những năm 1960-1970, gia đình tôi vốn sống ở Thị trấn Gia Lâm, Hà Nội, nhưng Mỹ bắt đầu dùng không quân ném bom phá hoại Miền Bắc, nên tôi cùng gia đình sơ tán theo cơ quan của ba tôi về vùng nông thôn ở xã Cổ Bi, cách Gia Lâm khoảng 10km. Trong thời gian ở đây, tôi theo học cấp 2 và sau đó là cấp 3 ở Trường Cấp 3 Cao Bá Quát (nay là Trường THPT Cao Bá Quát), ngôi trường nằm gần Thị trấn Trâu Qùy – nơi giao thoa giữa nông thôn và thành thị nên cũng mang nhiều đặc điểm lề lối văn hóa khác biệt. Tôi còn nhớ thầy Hiệu trưởng thời đó vốn là một sĩ quan quân đội nên đã điều hành trường với đậm phong cách quân đội. Thầy rất nghiêm trong việc áp dụng kỷ luật cho những học sinh vi phạm lỗi nào đó dù nhỏ hay lớn. Tôi có anh bạn cùng lớp, một hôm anh vui vẻ gọi mọi người đến để giới thiệu điệu nhảy tuýp (twist) anh vừa tập được. Ngay sau đó, khi bị phát hiện anh ta phải chịu hình thức kỷ luật cảnh cáo toàn trường và lao động công ích. Anh là con liệt sĩ. Nói thêm về Trường THPT Cao Bá Quát, thời đó vì nhiều lý do về cả khách quan và chủ quan nên đội ngũ giáo viên cũng như chất lượng giảng dạy cũng chưa thật sự tốt. Tôi còn nhớ có cô giáo dạy Toán luôn khẳng định với chúng tôi là hình tứ giác có 5 đỉnh vì cô cho rằng khi đọc ký hiệu các đỉnh phải quay lại đỉnh ban đầu, và do vậy một tứ giác sẽ có ký hiệu là ABCDA. Cô giáo dạy Vật lý thì có tật nói ngọng và thường phát âm hai đường thẳng “song song” thành hai đường thẳng “chong chong” khiến lũ học trò chúng tôi phải tặc lưỡi cười trừ. Hay có thầy giáo dạy Văn buồn tẻ, đôi khi hay hỏi lại học sinh nghe giảng có hứng thú không. Có lần có bạn ngồi đầu bàn vô tư trả lời: “Thầy giảng nghe đầy hết cả lỗ tai em”. Câu trả lời ngộ nghĩnh này tôi vẫn nhớ tới bây giờ. Thậm chí đến bây giờ tôi còn nhớ tên bạn đó. Quả là một thời kỳ đơn sơ nhưng đầy kỷ niệm.

May mắn thay, thời gian sơ tán qua đi, gia đình tôi quay trở lại Gia Lâm sinh sống và tôi được chuyển đến học tại Trường Cấp 3 Nguyễn Gia Thiều (nay là Trường THTP Nguyễn Gia Thiều) ngay trong Thị trấn Gia Lâm. Đó là vào năm 1970.

Xem thêm: Con Mua Ngang Qua (Part 2), Hợp Âm: Cơn Mưa Ngang Qua (Part 2)

Cách đây không lâu, tôi ngạc nhiên khi biết rằng Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng cũng từng là học sinh ở ngôi trường này. Tổng bí thư, Chủ tịch nước từng là học sinh của Trường 6 năm liên tục, từ năm 1957 đến năm 1963, và tôi đoán là học từ lớp 6 cho đến lớp cuối cùng là lớp 10. Tổng bí thư, Chủ tịch về thăm Trường vào cuối năm 2020, nhân Lễ kỷ niệm 70 năm thành lập. Nói đến đây, chắc các bạn cũng hiểu lý do tại sao tôi nhắc lại câu tục ngữ “Thấy người sang bắt quàng làm họ”, vì tôi hiểu rằng, khi đọc câu chuyện của tôi, rất có thể sẽ có ai đó nhắc đến câu này nên tôi chủ động nói trước cho lành. Dù thế nào đi chăng nữa, ở một mức độ nào đó, tôi có thể nói rằng mình là đồng môn của Tổng bí thư, Chủ tịch Nguyễn Phú Trọng, chỉ có điều là tôi vào học chậm hơn, vào năm 1970 và chỉ học lớp 10.

*
Một góc TRƯỜNG THPT NGUYỄN GIA THIỀU – Nguồn ảnh:http://nguyengiathieu.edu.vn

Trong dịp về thăm trường, Tổng bí thư, Chủ tịch có ôn lại về quá trình phát triển của Trường và cũng như nhắc đến tên của một số thầy cô giáo, trong đó có nhiều người vẫn tiếp tục dạy tại Trường cho đến thế hệ học sinh của tôi. Đó là thầy Cầu, vào thời kỳ tôi học thầy đã là Hiệu trưởng Trường Nguyễn Gia Thiều với dáng cao gầy, tính tình điềm đạm, nhỏ nhẹ. Đó là thầy Quế dạy Văn thâm thúy, sâu sắc và luôn nở trên môi nụ cười hiền hậu. Với các thầy cô thế hệ trẻ hơn tôi còn nhớ thầy Ngọc dạy Toán và cũng là Chủ nhiệm lớp tôi – một người thật mực thước, vững chuyên môn nhưng kiệm lời, thầy Hải dạy Vật lý, một người Hà Nội chính hiệu, đeo kính cận khá nặng, thầy rất năng động, gần gũi với học sinh. Tôi nhớ mãi có lần thầy Hải giảng về từ trường của nam châm, thầy có ví hiện tượng này giống như tầng lớp tư sản, nếu ta đến gần thì nó đẩy ra, nếu ta tránh xa thì nó hút vào. Cho đến giờ tôi vẫn chưa ngộ được nghĩa của sự so sánh này. Nhưng hiệu quả của bài học thì rất rõ ràng: vì tôi nhớ được nội dung bài học. Bầu không khí học tập của Trường Nguyễn Gia Thiều thực là khích lệ. Không còn nỗi ám ảnh của các hình thức kỷ luật nặng nề, không còn thưởng phạt bằng hình thức lao động. Hoạt động của học sinh thật sôi nổi và đa dạng. Thầy cô thật là giỏi và thân thiện. Tôi còn nhớ là tôi có tham gia viết báo tường của lớp và đạt được một giải kha khá gì đó. Hồi đó lớp tôi là Lớp 10c. Tôi có cảm giác thở phào nhẹ nhõm khi được chuyển về học tại Trường Nguyễn Gia Thiều và luôn nghĩ về điều này như là một sự may mắn và tự hào.

Kết thúc năm học cuối cùng, tôi tốt nghiệp Trường Nguyễn Gia Thiều và tiếp tục con đường học tập cao hơn, với trải nghiệm cùng nhiều trường đại học khác nữa. Mặc dù chỉ học ở đây một năm nhưng ngôi trường đã để lại trong tôi nhiều ấn tượng và kỷ niệm tốt đẹp. Trường cấp 3 Nguyễn Gia Thiều còn khá trẻ và khó có thể so sánh với nhiều trường phổ thông lâu đời và danh tiếng khác như Trường Chu Văn An hay là Trường Bưởi ở Hà Nội, Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong, hay là Lycée Petrus Ký ở TP. Hồ Chí Minh hay Trường Quốc Học Huế ở Cố đô Huế. Những trường nổi tiếng này mang nhiều dấu ấn lịch sử với danh sách dài các giáo viên, học trò đình đám, nhưng đối với tôi, tôi tự hào về ngôi Trường cấp 3 Nguyễn Gia Thiều, tôi tự hào rằng mình từng học ở đây, rằng tôi là đồng môn, hay nói rõ hơn là đã cùng học một trường, đã cùng học với một số thầy cô với Tổng bí thư – Chủ tịch nước. Câu chuyện “Thấy người sang bắt quàng làm họ” của tôi chỉ đơn giản vậy và tôi sẵn sàng chấp nhận sự “cáo buộc” với đầy lòng tự hào này.