Tấm cám thời nay

Tấm Cám: Chuyện Chưa Kể là tác phẩm xác nhận vị trí của phim ảnh Việt Nam hiện tại. Đó là ở mức sinh viên thực tập. Bộ phim giống như một bài tập của một nhóm sinh viên điện ảnh, với đầy đủ sự vụng về, ngô nghê, rời rạc và nghiệp dư thường thấy ở tất cả khác khâu.

Bạn đang xem: Tấm cám thời nay

Lấy cảm hứng từ câu chuyện cổ tích mà mỗi người Việt gần như thuộc làu, nhưng Tấm Cám của Ngô Thanh Vân khai thác theo hướng hoàn toàn khác. Tấm Cám gốc vốn là dị bản của Lọ Lem từ phương Tây, được thêm vào các yếu tố Phật giáo Á Đông như luân hồi chuyển kiếp và nhân quả. Đó là linh hồn của câu chuyện. Nhưng kịch bản của phim lại đi theo hướng sử thi liêu trai pha hành động, chủ yếu để áp dụng các hiệu ứng kĩ xảo hiện đại. Đồng thời, phim lồng ghép các yếu tố về lòng yêu nước, rõ ràng được lòng giới kiểm duyệt những ngày này.

Lẽ ra bộ phim nên lấy tên là “Thái tử: Chuyện chưa kể”, khi nhân vật chính của phim là Thái tử (Issac), chứ không phải Tấm hay Cám. Thậm chí hai cô gái có tên trên tựa còn mờ nhạt hơn các thành viên nhóm 365 khác như Will (vai Trần Bằng), Jun (Thuận Nô), S.T (Thạch Biền). Dễ dàng để hiểu vì sao. Phim bắt đầu khi Thái tử tình cờ gặp Tấm (Hạ Vi) trên đường trở lại kinh đô. Sự vụng về xuất hiện ngay ở cảnh Tấm vừa đi vừa mỉm cười suốt con đường, và lời dẫn truyện hơi dài dòng của Bụt (Thành Lộc). Thái tử đem lòng nhung nhớ Tấm từ đó. Có lẽ không cần kể những tình tiết cũ, mà nên tập trung vào phần “chưa kể”: Đất nước lâm nguy khi giặc Chinh La (China?) xâm phạm, và gã thừa tướng (Hữu Châu) vốn là một con yêu tinh đang âm mưu thành người, chiếm đoạt ngai vàng.

Tấm Cám, như đã nói, đầy rẫy sự nghiệp dư ở tất cả các khâu. Kịch bản là vấn đề đầu tiên. Nếu như thông thường, các yếu tố sản xuất là để phục vụ cho câu chuyện, thì Tấm Cám hoàn toàn ngược lại: Các tình tiết trong kịch bản nêu ra chỉ để phục vụ cho các yếu tố sản xuất, là trang phục, trang điểm, ngoại cảnh, hiệu ứng… Không có một xúc cảm hoặc thông điệp chủ đạo nào đủ sức mạnh và xuyên suốt. Các sáng tạo thêm đều là góp nhặt ở nhiều nơi, và cố lắp ghép thành một mẩu hoàn chỉnh.

Nói về các yếu tố sản xuất, Ngô Thanh Vân trong lần đầu đạo diễn phim điện ảnh, tỏ ra không thấu hiểu về điện ảnh. Cô bỏ rất nhiều kinh phí và công sức cho thiết lập bối cảnh, nhưng bị sa đà vào lối thiết lập của sân khấu. Điện ảnh là sự chân thực và tự nhiên, với nhiệm vụ cuối cùng là mang cuộc sống lên màn ảnh, dù là thể loại sử thi hay bất kì thể loại nào khác (trừ nhạc kịch hoặc các phim pha trộn loại hình). Còn lối trang điểm đường nét rõ ràng, trang phục sặc sỡ bắt mắt, các vật dụng đều sạch sẽ như mới, sắp đặt theo bố cục, là của sân khấu. Công sức và sự cầu kì của những người thực hiện đã bị đặt sai mục đích.

Xem thêm: Cập Nhật Tọa Độ 15+ Đại Lý Vietlott Ở Hà Nội Uy Tín Nhất, Địa Chỉ Các Đại Lý Bán Vé Số Vietlott Tại Hà Nội

Về diễn xuất, tương tự thế, có một sự lẫn lộn giữa lối diễn sân khấu và điện ảnh mà càng ngày phim Việt càng chìm sâu vào. Tiêu biểu trong phim này là Thành Lộc, Hữu Châu và Ninh Dương Lan Ngọc. Thành Lộc rất hài hước, nhưng anh không hợp với màn ảnh rộng, bởi luôn “phá” đi không gian điện ảnh rất nhanh chóng. Còn Hữu Châu và Lan Ngọc, với lối diễn khoa trương, thể hiện tính cách nhân vật bằng các hành động rất kịch như cười lớn hay đảo mắt, sai căn bản ngay từ đầu, không có gì để nói đến hay đánh giá. Giống như đánh giá tài năng cầu thủ bóng đá khi chơi bóng chuyền vậy.

Người tôi đánh giá tốt là người ít được chú ý nhất, Hạ Vi trong vai Tấm. Thực chất, cô có quá ít thời lượng và bị kịch bản bỏ quên. Không có sự kiên cường hay đấu tranh nào từ phía Tấm, như lời thoại sáo rỗng mà Hạ Vi được giao phải nói. Nhưng ít nhất, cô không sai trong diễn xuất, như hầu hết những người còn lại. Nói như một người bạn của tôi “Cô được cho 5 ngàn để nấu cơm, thì đong được gạo, nấu được cơm chất lượng 5 ngàn.” Còn các thành viên nhóm 365 hoàn toàn là ca sĩ đóng phim, họ đã cố gắng và hoàn thành ở mức ca sĩ đóng phim.

Ngô Thanh Vân vừa làm đạo diễn, vừa tham gia một vai nhỏ là dì ghẻ. Ở cả hai vai trò, cô không để lại ấn tượng nào đáng kể. Có một vài góc quay và chuyển cảnh bằng flycam tạm ổn ban đầu, nhưng sau đó bị lạm dụng quá đà. Dẫn truyện rất có vấn đề, hoàn toàn không giữ được nhịp phim ổn định. Kiểm soát màn ảnh cũng không tốt. Nếu để ý trong các đại cảnh chiến đấu, chúng ta sẽ thấy nhiều cặp quân lính đang đứng “tập thể dục” với nhau. Phần lớn đại cảnh khiến tôi nhớ đến các vở cải lương của Kim Tiểu Long ngày trước. Trong khi đó, chất giọng thật vốn ngắn hơi và thiếu lực của cô, khó có thể phù hợp với vai dì ghẻ độc ác.

Thật sự là một việc đuối sức nếu phải nêu ra tất cả các điểm yếu của Tấm Cám. Bao gồm cả âm nhạc và kĩ xảo, so với tiêu chuẩn hiện tại. Nhưng từ đó, có thể tìm thấy một điểm sáng. Cá nhân tôi cũng không ủng hộ phim Việt đi theo hướng đẩy mạnh hiệu ứng hình ảnh, bởi đó là cuộc đua mà chúng ta không bao giờ đuổi kịp thế giới, trong bối cảnh trường thưởng thức của khán giả thì ngang bằng với thế giới. Nhưng các nỗ lực luôn đáng được trân trọng. Tấm Cám có thể xem là người mở đường, kẻ tiên phong cho việc áp dụng CGI vào phim ảnh, với trường đoạn cuối phim. Nhân lực và kinh nghiệm hạn chế, và nếu xem là một bài tập thực hành, chúng ta có thể thông cảm với kết quả. Ít nhất, giá trị về mặt thúc đẩy sự phát triển chung của cả ngành sản xuất phim từ Tấm Cám, tốt hơn rất nhiều so với các phim hài nhảm đầy rẫy hiện nay.

Dù vậy, những yếu tố ngoài màn ảnh phải được đặt công tâm ở ngoài màn ảnh. Cũng như scandal ồn ào liên quan đến phát hành phim, và hành động bật khóc của Ngô Thanh Vân (chiêu trò hay không) trong buổi họp báo. Chúng không nên ảnh hưởng đến đánh giá về chất lượng Tấm Cám – một phim trung bình, khó mang lại sự hài lòng hay vui thích nào để động viên khán giả ra rạp, ngoài tâm thế ủng hộ cho một bộ phim nội được làm đầy cố gắng và có thể gọi là “đàng hoàng tử tế”. Như mọi khi.